Hiển thị các bài đăng có nhãn may chu DNS. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn may chu DNS. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 4 tháng 5, 2015

Thú vị máy chủ DNS

Mọi thông tin xử lý hay lưu trữ trên máy tính nói riêng và các thiết bị điện tử có dùng chip đều được số hóa thành những chữ số. Các địa chỉ trang web cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, việc mã hóa các ký tự trong địa chỉ trang web vốn dễ nhớ như hiện nay không đơn giản như việc mã hóa dữ liệu trên máy tính, vì không được trùng trên toàn mạng Internet toàn cầu.



 

Do vậy, một hệ thống chuyển đổi các ký tự dạng chữ sang số (địa chỉ IP - Internet Protocol) được dựng nên với tên gọi là Domain Name System (DNS) – hệ thống phân giải tên miền. Ngoài ra, nếu biết cách khai thác và ứng dụng DNS, bạn có thể tăng tốc độ kết nối Internet hoặc vượt qua những DNS bị giới hạn.

 Lịch sử ra đời và vai trò của DNS
Hệ thống phân giải tên miền DNS được phát minh hồi năm 1984, dùng cho Internet và các chuẩn giao tiếp, trong đó phổ biến nhất là chuẩn TCP/IP. Chính vì vậy, DNS giữ vai trò khá quan trọng trong các hệ thống phục vụ các dịch vụ web server, mail server, hay trình duyệt web trên máy tính cá nhân của người dùng.

Khi kết nối mạng, mỗi máy tính được cấp một địa chỉ IP để phân biệt nhau và dễ quản lý. Các máy tính trong các mạng LAN độc lập nhau thì có thể trùng địa chỉ IP nhưng khi kết nối Internet thì chúng được cấp địa chỉ IP riêng biệt theo nhà cung cấp dịch vụ Internet để không trùng với bất kỳ một máy tính nào trên mạng Internet toàn cầu. Địa chỉ IP cấu tạo từ các chữ số nên sẽ rất khó nhớ cho người dùng hay các nhà quản trị. Và khi DNS ra đời, địa chỉ IP sẽ được gán hay quy đổi bởi những cụm từ dễ nhớ. Để làm được điều này, DNS sẽ ánh xạ một tên miền (địa chỉ trang web) ra địa chỉ IP rồi giao lại cho hệ thống mạng tiếp tục xử lý.

Ví dụ: Khi bạn gõ địa chỉ trang web tìm kiếm Google là google.com vào trình duyệt web thì một yêu cầu truy vấn sẽ được gửi đến DNS để tìm địa chỉ IP tương ứng của tên miền google.com trên hệ thống rồi trả lại cho trình duyệt web, hệ thống mạng xử lý.

Một cách đơn giản, DNS hoạt động như là nhân viên trực của Đài 1080. Muốn biết số điện thoại của một người nào đó, bạn gọi vào Đài 1080 (tương ứng với thao tác chạy trình duyệt web), cung cấp tên người cần tìm số điện thoại (tương ứng với thao tác gõ địa chỉ trang web vào thanh address của cửa sổ trình duyệt web), nhân viên Đài 1080 tiếp nhận vào tìm trong danh bạ (tương ứng với DNS nhận yêu cầu truy vấn) rồi cho bạn biết số điện thoại của người đó (nếu có). Khi đó, nếu bạn chỉ cho biết tên của người cần tìm (tương ứng với khi gõ chữ Google) thì có thể sẽ nhận được khá nhiều số điện thoại (nếu có nhiều người cùng tên); tuy nhiên nếu bạn cho biết thêm địa chỉ (tương ứng với phần đuôi của tên miền là .com, .vn. com.vn...) hay một thông tin nào đó thì sẽ tìm được số điện thoại duy nhất (nếu có).

Hệ thống máy chủ DNS

Một máy chủ DNS không thể kham hết mọi truy vấn của trình duyệt web ở máy tính người dùng trên thế giới cho việc lấy địa chỉ IP tương ứng với tên miền hay địa chỉ trang web. Do vậy, sẽ có một hệ thống rất nhiều các máy chủ DNS hoạt động ở từng khu vực, từng quốc gia, toàn thế giới.

Chẳng hạn, nếu bạn đang dùng mạng Internet của nhà cung cấp dịch vụ Viettel, thì khi gõ địa chỉ trang web vào trình duyệt web, trình duyệt web sẽ gửi yêu cầu truy vấn địa chỉ IP của địa chỉ trang web đó đến máy chủ DNS của Viettel thông qua địa chỉ DNS của Viettel đã thiết lập trong máy tính hoặc dò tự động. Sau đó, nếu máy chủ DNS của Viettel tìm được ngay địa chỉ IP của địa chỉ trang web đó thì sẽ trả kết quả lại cho trình duyệt web; ngược lại, nếu không tìm thấy (vì chưa từng tiếp nhận địa chỉ trang web, như tên miền mới tạo), máy chủ DNS của Viettel sẽ “sang hỏi” những máy chủ khác cùng cấp. Nếu vẫn không tìm thấy, máy chủ DNS của Viettel sẽ hỏi máy chủ DNS của khu vực ở cấp cao hơn hoặc máy chủ DNS quốc gia..., và cứ như thế, một tên miền không có thực sẽ được các máy chủ DNS hỏi đến máy chủ DNS toàn cầu.
Máy chủ DNS mở rộng

Hệ thống máy chủ này được gọi với tên Open DNS, Public DNS (như Google Public DNS: 8.8.8.8 và 8.8.4.4)... hay một số tên gọi tương tự khác. Máy chủ mở rộng khá lớn, nhất là lượng dữ liệu (database) tên miền và địa chỉ IP tương ứng, lượng dữ liệu này lớn đến mức bằng lượng dữ liệu gộp từ nhiều máy chủ DNS thường khác. Và một đặc trưng nhất của DNS mở rộng là cho phép dùng tự do mà không phải đăng ký sử dụng qua các nhà cung cấp dịch vụ Internet. Chính vì vậy, nhiều người có thể thiết lập các DNS mở rộng này vào máy tính thay cho DNS của nhà cung cấp dịch vụ Internet.

Do DNS mở rộng chứa một lượng lớn dữ liệu tên miền và địa chỉ IP tương ứng nên khi tiếp nhận yêu cầu truy vấn địa chỉ IP của trình duyệt web ở máy tính người dùng về một địa chỉ trang web, xác suất tìm được sẽ nhanh hơn so với việc chờ các máy chủ DNS bình thường đi “hỏi” lòng vòng để tìm. Nhờ vậy, giảm được thời gian chờ khi dùng Internet.

Tuy nhiên, việc dùng DNS mở rộng cũng có cái hại là có thể vào những địa chỉ trang web chứa virus hoặc nội dung không lành mạnh. Trong khi đó, nếu dùng DNS của nhà cung cấp dịch vụ thì có thể không vào được những trang web đó, vì nhà cung cấp dịch vụ quản lý riêng những địa chỉ trang web đó và sẽ trả ngay kết quả tìm kiếm “không tìm thấy” khi trình duyệt web của người dùng gửi yêu cầu truy vấn địa chỉ IP.

Cách đổi DNS

Để đổi DNS trong máy tính, bạn mở cửa sổ Control Panel, bấm đúp chuột lên biểu tượng Network Connections, bấm đúp chuột lên biểu tượng kết nối mạng rồi bấm nút Properties trong cửa sổ hiện ra, bấm đúp chuột lên hàng chữ TCP/IP, bấm chọn dòng chữ Use the following DNS server addresses rồi điền địa chỉ DNS vào các ô trống Preferred DNS Server và Alternate DNS Server, bấm OK.