Thứ Hai, 4 tháng 5, 2015

Cách chọn tên miền (domain) đẹp cho SEO

Mục đích của việc tạo trang web là chủ yếu nhằm quảng bá thương hiệu hoặc bán hàng và vì thế trang web của bạn càng có nhiều người truy cập càng tốt. SEO (Search Engine Optimization – tối ưu hóa công cụ tìm kiếm) là một trong những cách tìm lượng truy cập (traffic) hàng đầu hiện nay vì thế chọn tên miền đẹp phù hợp với SEO được nhiều người quan tâm. Dưới đây là 5 điểm quan trọng khi bạn chọn tên miền phù hợp chuẩn SEO:


  1.     Tên miền có đuôi phù hợp: Theo quan sát của giới chuyên nghiệp, các đuôi tên miền hỗ trợ tốt cho SEO qui mô toàn cầu là .com, .net, .org, .info theo thứ tự giảm dần. Nếu đối tượng người truy cập nhắm đến nằm trên lãnh thổ Việt Nam, bạn nên ưu tiên chọn thêm hai đuôi tên miền .vn và .com.vn. Mức độ ưu tiên lựa chọn giảm dần theo thứ tự sẽ là: .vn, .com, .com.vn, .net. org, .info.
  2.     Tên miền là từ khoá (keyword): Nếu bạn đang kinh doanh trong một lĩnh vực nào đó như bất động sản, xe hơi, hay túi xách… thì những từ khóa này rất quan trọng. Tên miền trùng tên từ khóa thì không còn gì bằng vì bạn có nhiều cơ hội lên top đầu Google, Yahoo hay Bing. Ngoài ra tên miền như thế cũng rất dễ nhớ, dễ viết.
  3.     Thêm từ khóa phụ: Có thể nói đến thời điểm hiện nay, chọn tên miền trùng từ khóa một lĩnh vực nào đó là rất khó. Tuy nhiên bạn vẫn có thể SEO từ khóa bằng cách ghép từ khóa phụ vào từ khóa chính. Ví dụ nếu bạn kinh doanh phân bón, bạn có thể chọn tên miền thông qua các từ khóa như “tinphanbon.com”, “giaphanbon”, “banphanbon”…
  4.     Thêm các từ quen thuộc, “hot”: Nếu bạn vẫn chưa thể chọn tên miền đẹp với từ khóa phụ ngắn gọn, dễ nhớ. Bạn có thể thêm một từ quen thuộc vào từ khóa như: “độc”, “xịn”, “hot”, “co” (công ty), “24” (24 giờ), “online” (trực tuyến), “web”…
  5.     Ghép thêm địa danh: Một cách khá hay để đặt tên miền đẹp là ghép thêm địa danh vào từ khóa vì máy tìm kiếm Google chú trọng về địa lý. Nếu bạn bán hàng túi xách và không thể chọn các tên miền hay như “tuixach”, “tuixachdep”, “tuixachnu”… thì bạn có thể chọn “tuixachsaigon”, tuixachhcm”, “tuixachhanoi”… Tuy tên miền hơi dài một chút nhưng được cái dễ nhớ.

Cách chọn tên miền (domain) dành cho thương hiệu

Nếu bạn đang sở hữu một doanh nghiệp hoặc một cơ sở kinh doanh, bạn đừng nên do dự mà hãy đăng ký tên miền ngay theo thương hiệu hoặc sản phẩm của mình. Như thế, bạn đã góp phần quảng bá thương hiệu mình rộng rãi hơn và làm cho khách hàng khắc sâu hình ảnh sản phẩm của bạn hơn. Bên cạnh đó, bạn đã hạn chế khả năng người khác đăng ký tên miền thương hiệu trước mình. Khi chọn tên miền dùng thương hiệu, bạn nên lưu ý 5 điểm sau đây:


  1.     Tên miền ngắn và chứa đựng thương hiệu: Tên miền nên càng ngắn càng tốt vì sẽ giúp người ta dễ đọc, dễ nhớ và bạn sẽ dễ làm logo hơn. Những tên miền như dienquang.com, thanhnien.vn… ngắn gọn, đầy đủ mà lại khó quên.
  2.     Tên miền tránh gây nhầm lẫn hoặc tranh chấp: Có khá nhiều người biết cách chọn tên miền đẹp sớm trước bạn nên việc tránh đặt tên miền trùng là điều cần lưu ý. Việc này gây khá nhiều khó khăn nhưng bạn có thể tìm cách vượt qua bằng cách thêm tên gọi sản phẩm hoặc tính năng vào tên thương hiệu.
  3.     Tên miền thật dễ viết: Liên quan đến lưu ý số 1 ở trên, quy tắc này sẽ giúp bạn giữ lại khách hàng của mình. Nếu tên miền quá phức tạp, nó có thể bị viết sai và nhiều người không truy cập vào trang web của bạn được. Bên cạnh đó nếu bạn đặt tên miền quá phức tạp, đối thủ cạnh tranh có thể tận dụng chọn tên miền đẹp hơn và giành ưu thế.
  4.     Tránh ký tự đặt biệt: Bạn nên tránh những ký tự như $, +, @ hoặc thậm chí cả dấu gạch ngang (-) khi chọn tên miền. Nếu bạn đọc tên miền của mình cho một ai đó qua điện thoại, bạn sẽ mất công giải thích những ký tự này, chưa kể người truy cập vào trang web rất nhiều khả năng gõ sai địa chỉ.
  5.     Nên chọn đuôi .vn, .com hoặc .com.vn: Đây là ba phần mở rộng “đẹp” nhất đối với các tên miền có nguồn gốc từ  Việt Nam. Một khi sở hữu tên miền có đuôi như thế, uy tín thương hiệu của bạn sẽ được nâng cao lên hơn nữa. Tuy nhiên nếu tên miền bạn muốn chọn đã bị “xí” hết, bạn có thể cân nhắc chọn các đuôi như .net hoặc .org.

Thú vị máy chủ DNS

Mọi thông tin xử lý hay lưu trữ trên máy tính nói riêng và các thiết bị điện tử có dùng chip đều được số hóa thành những chữ số. Các địa chỉ trang web cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, việc mã hóa các ký tự trong địa chỉ trang web vốn dễ nhớ như hiện nay không đơn giản như việc mã hóa dữ liệu trên máy tính, vì không được trùng trên toàn mạng Internet toàn cầu.



 

Do vậy, một hệ thống chuyển đổi các ký tự dạng chữ sang số (địa chỉ IP - Internet Protocol) được dựng nên với tên gọi là Domain Name System (DNS) – hệ thống phân giải tên miền. Ngoài ra, nếu biết cách khai thác và ứng dụng DNS, bạn có thể tăng tốc độ kết nối Internet hoặc vượt qua những DNS bị giới hạn.

 Lịch sử ra đời và vai trò của DNS
Hệ thống phân giải tên miền DNS được phát minh hồi năm 1984, dùng cho Internet và các chuẩn giao tiếp, trong đó phổ biến nhất là chuẩn TCP/IP. Chính vì vậy, DNS giữ vai trò khá quan trọng trong các hệ thống phục vụ các dịch vụ web server, mail server, hay trình duyệt web trên máy tính cá nhân của người dùng.

Khi kết nối mạng, mỗi máy tính được cấp một địa chỉ IP để phân biệt nhau và dễ quản lý. Các máy tính trong các mạng LAN độc lập nhau thì có thể trùng địa chỉ IP nhưng khi kết nối Internet thì chúng được cấp địa chỉ IP riêng biệt theo nhà cung cấp dịch vụ Internet để không trùng với bất kỳ một máy tính nào trên mạng Internet toàn cầu. Địa chỉ IP cấu tạo từ các chữ số nên sẽ rất khó nhớ cho người dùng hay các nhà quản trị. Và khi DNS ra đời, địa chỉ IP sẽ được gán hay quy đổi bởi những cụm từ dễ nhớ. Để làm được điều này, DNS sẽ ánh xạ một tên miền (địa chỉ trang web) ra địa chỉ IP rồi giao lại cho hệ thống mạng tiếp tục xử lý.

Ví dụ: Khi bạn gõ địa chỉ trang web tìm kiếm Google là google.com vào trình duyệt web thì một yêu cầu truy vấn sẽ được gửi đến DNS để tìm địa chỉ IP tương ứng của tên miền google.com trên hệ thống rồi trả lại cho trình duyệt web, hệ thống mạng xử lý.

Một cách đơn giản, DNS hoạt động như là nhân viên trực của Đài 1080. Muốn biết số điện thoại của một người nào đó, bạn gọi vào Đài 1080 (tương ứng với thao tác chạy trình duyệt web), cung cấp tên người cần tìm số điện thoại (tương ứng với thao tác gõ địa chỉ trang web vào thanh address của cửa sổ trình duyệt web), nhân viên Đài 1080 tiếp nhận vào tìm trong danh bạ (tương ứng với DNS nhận yêu cầu truy vấn) rồi cho bạn biết số điện thoại của người đó (nếu có). Khi đó, nếu bạn chỉ cho biết tên của người cần tìm (tương ứng với khi gõ chữ Google) thì có thể sẽ nhận được khá nhiều số điện thoại (nếu có nhiều người cùng tên); tuy nhiên nếu bạn cho biết thêm địa chỉ (tương ứng với phần đuôi của tên miền là .com, .vn. com.vn...) hay một thông tin nào đó thì sẽ tìm được số điện thoại duy nhất (nếu có).

Hệ thống máy chủ DNS

Một máy chủ DNS không thể kham hết mọi truy vấn của trình duyệt web ở máy tính người dùng trên thế giới cho việc lấy địa chỉ IP tương ứng với tên miền hay địa chỉ trang web. Do vậy, sẽ có một hệ thống rất nhiều các máy chủ DNS hoạt động ở từng khu vực, từng quốc gia, toàn thế giới.

Chẳng hạn, nếu bạn đang dùng mạng Internet của nhà cung cấp dịch vụ Viettel, thì khi gõ địa chỉ trang web vào trình duyệt web, trình duyệt web sẽ gửi yêu cầu truy vấn địa chỉ IP của địa chỉ trang web đó đến máy chủ DNS của Viettel thông qua địa chỉ DNS của Viettel đã thiết lập trong máy tính hoặc dò tự động. Sau đó, nếu máy chủ DNS của Viettel tìm được ngay địa chỉ IP của địa chỉ trang web đó thì sẽ trả kết quả lại cho trình duyệt web; ngược lại, nếu không tìm thấy (vì chưa từng tiếp nhận địa chỉ trang web, như tên miền mới tạo), máy chủ DNS của Viettel sẽ “sang hỏi” những máy chủ khác cùng cấp. Nếu vẫn không tìm thấy, máy chủ DNS của Viettel sẽ hỏi máy chủ DNS của khu vực ở cấp cao hơn hoặc máy chủ DNS quốc gia..., và cứ như thế, một tên miền không có thực sẽ được các máy chủ DNS hỏi đến máy chủ DNS toàn cầu.
Máy chủ DNS mở rộng

Hệ thống máy chủ này được gọi với tên Open DNS, Public DNS (như Google Public DNS: 8.8.8.8 và 8.8.4.4)... hay một số tên gọi tương tự khác. Máy chủ mở rộng khá lớn, nhất là lượng dữ liệu (database) tên miền và địa chỉ IP tương ứng, lượng dữ liệu này lớn đến mức bằng lượng dữ liệu gộp từ nhiều máy chủ DNS thường khác. Và một đặc trưng nhất của DNS mở rộng là cho phép dùng tự do mà không phải đăng ký sử dụng qua các nhà cung cấp dịch vụ Internet. Chính vì vậy, nhiều người có thể thiết lập các DNS mở rộng này vào máy tính thay cho DNS của nhà cung cấp dịch vụ Internet.

Do DNS mở rộng chứa một lượng lớn dữ liệu tên miền và địa chỉ IP tương ứng nên khi tiếp nhận yêu cầu truy vấn địa chỉ IP của trình duyệt web ở máy tính người dùng về một địa chỉ trang web, xác suất tìm được sẽ nhanh hơn so với việc chờ các máy chủ DNS bình thường đi “hỏi” lòng vòng để tìm. Nhờ vậy, giảm được thời gian chờ khi dùng Internet.

Tuy nhiên, việc dùng DNS mở rộng cũng có cái hại là có thể vào những địa chỉ trang web chứa virus hoặc nội dung không lành mạnh. Trong khi đó, nếu dùng DNS của nhà cung cấp dịch vụ thì có thể không vào được những trang web đó, vì nhà cung cấp dịch vụ quản lý riêng những địa chỉ trang web đó và sẽ trả ngay kết quả tìm kiếm “không tìm thấy” khi trình duyệt web của người dùng gửi yêu cầu truy vấn địa chỉ IP.

Cách đổi DNS

Để đổi DNS trong máy tính, bạn mở cửa sổ Control Panel, bấm đúp chuột lên biểu tượng Network Connections, bấm đúp chuột lên biểu tượng kết nối mạng rồi bấm nút Properties trong cửa sổ hiện ra, bấm đúp chuột lên hàng chữ TCP/IP, bấm chọn dòng chữ Use the following DNS server addresses rồi điền địa chỉ DNS vào các ô trống Preferred DNS Server và Alternate DNS Server, bấm OK.

Tên miền (domain) YouTube

Trang web chia sẻ video trực tuyến YouTube đã trở nên quá quen thuộc với những người dung internet, tuy nhiên lịch sử hình thành của nó lại có nhiều điều thú vị mà không phải ai cũng biết. Nhà đồng sáng lập Chad Hurley đăng ký thương hiệu, logo và tên miền YouTube đúng vào ngày lễ Valentine năm 2005.



Trước ngày 14/02/2005, rất ít người biết đến tên “YouTube”. YouTube được sáng lập bởi các cựu nhân viên PayPal là Chad Hurley, Steve Chen và Jawed Karim. Ban đầu, cả 3 thành viên này đều không nghĩ đến việc xây dựng một trang web lớn như vậy. Vì quá muốn khoe với 2 người bạn về buổi tiệc tại San Francisco của mình, Chen đã hình thành ý tưởng mang tên Youtube.

Ngày 15/12/2005, sau khi nhận được khoản đầu tư 3,5 triệu USD từ Sequoia Capital hồi tháng 11/2005, YouTube đã có thể tăng băng thông, nâng cấp máy chủ và phát hành ra công chúng. Nhìn thấy tiềm năng từ YouTube, tháng 10/2006, Google đã mua lại trang chia sẻ video này với giá 1,65 tỷ USD. Google gọi đây là “bước tiếp theo trong sự tiến hóa của Internet”. Vào thời điểm đó, YouTube mới chỉ có khoảng 65 nhân viên.

Tháng 05/2007, YouTube bắt đầu chương trình Partner Program. Theo chương trình này, người dùng sẽ có cơ hội được trả tiền nhờ những nội dung nổi tiếng trên YouTube. Lần đầu tiên, người dùng YouTube bình thường có thể biến sở thích của họ thành công việc kinh doanh. Khoảng 1 năm sau, những người dùng thành công nhất đã kiếm được hàng trăm ngàn đô la từ YouTube, theo số liệu thời báo New York Times cung cấp năm 2008.

Ví dụ, anh chàng người Mỹ có tên Michael Buckley đã từ bỏ công việc như một trợ lý tài chính ở một công ty quảng cáo sau khi nhận thấy chương trình “The What The Buck Show” trên YouTube của anh đem lại nhiều thu nhập hơn.

Năm 2012, video đầu tiên trên YouTube đạt 1 tỷ người xem đó chính là Gangnam Style. Chỉ 5 tháng sau khi ra mắt, MV Gangnam Style của chàng ca sĩ Hàn Quốc PSY đã lập nên kỷ lục 1 tỷ người xem đầu tiên của YouTube.